[Lore] Quán rượu phù du, Talheirim

“Hoan nghênh quý khách đến với quán rượu phù du, Talheirim!”

Trước khi tiếng chuông báo hiệu giờ mở cửa vang lên, tôi thường đứng trước gương, cất cao giọng chào mời khách hàng. Giọng nói vang vọng trong không gian tĩnh lặng như tiếp thêm động lực cho bản thân, giúp tôi tự tin hơn khi bước vào thế giới náo nhiệt của quán rượu. Sau khi đã hài lòng trước dáng vẻ của một chủ quán rượu, tôi chỉnh đốn lại trang phục của mình rồi ra khỏi phòng.

Quán rượu của tôi nằm ở lầu dưới nên tôi không bị gò bó thời gian di chuyển qua lại giữa nhà và nơi làm việc. Ở cái thời này mà đã sở hữu một quán rượu to thì đúng là diễm phúc. Càng nghĩ về những may mắn đã có, tôi càng cảm thấy trân trọng công việc của mình. Những món đồ trong quán đều đã có sẵn, tôi chỉ sắp xếp chúng lại rồi mua vài ba thứ ở cửa hàng trang trí để khiến quán trông đẹp mắt hơn.

Rảo bước vào kho, tôi kiểm tra vật dụng trước khi mở quán. Trên tay tôi là một danh sách dài những thứ cần thiết khi phục vụ khách hàng, nào là bao bó trùm đầu mỗi khi khách hàng xích mích giữa quán, còn có dây thừng trói tay chân những lúc có kẻ sỉ nhục tôi và những vị khách khác. Chưa hết, tôi còn có con dao sắc bén đặt làm riêng từ tận xứ phù tang để lột da những kẻ dám trộm cắp các món trong quán nữa cơ.

Dù sao họ cũng là những vị khách yêu quý của tôi, tôi phải hết mình vì họ chứ, thế nên tôi luôn chuẩn bị mọi thứ rất kỹ càng. Bạn bè tôi còn khen tôi chu đáo như thế, lại còn duy trì mỗi ngày, quả là một chủ quán có một không hai. Nhưng nhiều việc như vậy, chẳng lẽ tôi không thấm mệt ư? Hừm, nói sao nhỉ. Tôi mở quán là vì đam mê chứ nào có phải vì những đồng bạc ít ỏi. Chỉ cần đủ sống là tôi vui rồi.

Kiểm đi kiểm lại những thứ cần thiết thì tôi nhìn thấy một tấm bảng. Ôi thật là, suýt chút nữa là tôi quên mất thứ này – “Law and Order”.

Tấm bảng này vô cùng quan trọng trong quán rượu. Thiếu đi nó là quán rượu của tôi sẽ ăn ngay một vé dẹp tiệm mất. Có lần bạn của tôi kể rằng, chỉ vì hôm ấy quên treo tấm bảng này lên mà đã có đội kỵ sĩ hoàng gia kéo đến đánh sập quán. Họ còn lấy hết rượu và đồ nhậu ngon trong quán, rồi lấy danh tịch thu và đảm bảo an toàn cho người dân mà chén sạch chỗ đó. Trước cảnh tượng khủng khiếp ấy, người bạn thân của tôi chỉ biết khóc ròng mấy dòng sông.

“Thật quá đáng!”

Những người nhỏ bé như chúng tôi làm sao mà chống lại được lực lượng hoàng gia kia chứ. Thế nên tôi cũng học hỏi được nhiều điều từ tai nạn khi ấy, tự dặn lòng phải treo nó lên mỗi ngày để khách hàng nhìn thấy. Nhiều vị khách tốt bụng cũng hay nhắc nhở tôi khi tôi quá bận rộn.

May mắn thay, tấm bảng này trông cũng đẹp mắt. Dần dà, mọi người cũng nhận ra rằng tấm bảng này là một phần không thể thiếu trong bầu không khí của quán. Nhiều vị khách say xỉn còn vớ lấy tấm bảng, đọc to từng chữ ghi trên đó nữa cơ. Những lúc như thế tôi cảm động vô cùng, bởi tôi đâu có ngờ là họ lại yêu thích nó đến thế. Nhớ lại những khoảnh khắc vui vẻ ấy, hai mắt tôi lại rưng rưng vì xúc động. Cả quán chỉ có mình tôi, thỉnh thoảng mới có người bạn đến phụ giúp nên khi được họ hỗ trợ, tôi rất cảm kích.

Tiếp đến là khâu sắp xếp, tôi bắt đầu dọn dẹp bàn ghế khắp quán. Quầy bar là nơi tôi dành phần lớn thời gian làm việc. Ở quán rượu này, khách hàng sẽ tự phục vụ. Vì tôi khá thoải mái nên thường để khách hàng tự lấy thức ăn và đồ uống về bàn. Khi muốn thưởng thức những chai rượu đắt tiền, khách hàng có thể đến quầy bar. Tôi sẽ đích thân phục vụ họ một cách chu đáo. Cũng có những vị khách đến quầy bar để trò chuyện cùng tôi. Họ rất thích tâm sự về cuộc sống của mình, và tôi luôn vui vẻ lắng nghe. Họ kể về những cung điện xa xôi, những cánh đồng bạt ngàn, những thảo nguyên bát ngát; về những kỳ quan tự nhiên kỳ diệu, những hòn đảo bí ẩn mà họ đã đặt chân đến. Nghĩ về lời kể dân dã của họ, tôi càng háo hức:

“Hôm nay cũng phải thật chăm chỉ mới được!”

Tự động viên bản thân, tôi tiến đến quầy bar để dọn dẹp thực đơn. Thực đơn của quán cũng khá đơn giản. Quán chủ yếu hướng đến việc giúp khách hàng giải trí và trò chuyện. Chỉ vài món nhậu là đủ để họ lai rai cả đêm. Tuy nhiên, thức uống lại là một câu chuyện khác. Quán Talheirim sở hữu những chai rượu vang thượng hạng để phục vụ quý khách. Như người ta vẫn thường nói, “Rượu để càng lâu sẽ càng ngon“. Chính vì vậy, tôi cũng dành nhiều thời gian để ủ rượu. Mong rằng quý khách sẽ thưởng thức từng ngụm rượu đầy say mê. Nhiều vị khách đã từng ngỏ ý mua lại rượu của tôi, nhưng tôi nhất quyết không bán. Chúng đều là tâm huyết của tôi, sao tôi có thể đánh đổi vì tiền chứ.

Sau khi dọn dẹp mọi thứ xong xuôi, tôi tiến đến cửa để chuẩn bị mở quán. Vừa mở cửa, tôi lật tấm bảng gỗ thì đã có hai vị khách bước vào. Tôi nở nụ cười thân thiện và mời họ vào bàn. Không để họ chờ lâu, tôi vào quầy lấy thực đơn và đưa cho họ mỗi người một chiếc.

Tôi luôn vì các vị khách quý mà liên tục cố gắng từng ngày. Dù chỉ là một quán rượu bình dân, tôi luôn muốn mang đến cho quý khách cảm giác thoải mái nhất. Trong lúc chờ họ gọi món, tôi lại nghĩ về điều khiến tôi yêu thích nhất khi mở quán rượu này. Đó chính là những khoảnh khắc khi họ đang thưởng thức bữa ăn”. Vốn từ hạn hẹp của tôi cũng không thể nào miêu tả hết những khoảnh khắc ấy. Họ cho tôi biết rằng họ rất hài lòng với quán mà chẳng cần đến ngôn từ. Nhiều khi, chỉ một nụ cười của họ cũng đủ khiến tôi hạnh phúc. Và cũng chính vì thế, hôm nay, tôi cũng sẽ cố gắng vì họ.

Sau khi nhận đơn gọi món, tôi quay lại quầy bar để chuẩn bị. Trong lúc đang rót rượu, tôi nghe tiếng nói chuyện vang lên từ ngoài quán.

“Ê, vào đây làm một chầu đi mày! Lâu rồi không uống, anh em mình hôm nay không say không về!”

Quán rượu phù du? Nghe cái tên là tao đã nghi rồi. Biết đâu đồ ăn thức uống ở đây không ngon, phục vụ cũng hời hợt. Đi quán khác thôi mày, biết đâu lại được ăn sơn hào hải vị!”

Nghe những lời nói của họ, tôi cũng có chút buồn lòng. Lúc đặt tên cho quán, tôi cũng chẳng suy nghĩ gì nhiều. Cái tên “Talheirim” quả thật chỉ vô tình hiện lên khi tôi đang ăn món mì sợi ở đầu phố. Cảm giác những sợi mì dai dai len lỏi vào cổ họng sau mỗi lần húp khiến tôi rùng mình. Vừa rung người, cái tên đó bỗng nảy ra trong đầu tôi, thế nên tôi đã lấy nó để đặt cho quán. Cũng có vài vị khách khen tên quán nghe rất nghệ kia mà.

Còn vì sao nó lại được gọi là quán rượu phù du ư? Nhiều vị khách cũng tò mò về điều này. Chẳng hạn như đêm qua, có một vị khách với bộ râu quai nón và thân hình vạm vỡ đã hỏi tôi rằng.

“Phù du” nghĩa là tạm bợ, mang ý nghĩa không tốt chút nào. Biết bao nhiêu tên hay không chọn, lại đi chọn cái này. Lỡ đâu khách hàng né hết rồi thì sao? Chủ quán không lo ế khách à?”

“Sao không dùng những từ ngữ nghe sang trọng hơn để thu hút khách hàng? Mồi và rượu ở đây ngon hết sẩy. Hay là chủ quán sợ người ta đến đông quá phải dẹp tiệm sớm?” Cô vợ nhỏ bé ngồi bên cạnh anh ta tiếp lời.

Khi đó, tôi chỉ biết cười trừ rồi lắc đầu. Lấy chiếc cốc to trên bàn, tôi mời họ một chầu và nhẹ nhàng nói.

“Chỉ những ai thực sự muốn nhậu cùng tôi mới có thể đến được quán rượu này. Nơi đây chỉ tiếp những vị khách có cùng quan điểm sống với tôi. Bởi chỉ khi thế, họ mới cảm nhận được hương vị tinh túy của rượu mà tôi đã ủ…” Giọng nói tôi đều đều, nhưng rồi như thể đã biết trước bầu không khí sẽ trở nên căng thẳng. Tôi hắng giọng.

“Nói cho oai thế thôi, chứ đơn giản là vì tôi thích mở quán lúc nào thì mở. Gọi là “phù du” vì có ngày tôi đi vắng, có ngày tôi mở quán 24/24. Có tuần tôi còn chẳng ở đây. Nhưng chung quy vẫn chỉ là tiếp những ai muốn trò chuyện cùng tôi thôi.”

“Chẳng phải tháng trước, anh chị cũng đã bày tỏ mong muốn trò chuyện cùng tôi đấy sao?” Tôi nghiêng đầu nhìn họ.

Đôi vợ chồng nhìn nhau một hồi lâu, cố gắng nhớ lại khoảnh khắc lần đầu gặp tôi trước khi bước chân vào quán.

“Quái lạ… Rõ ràng lúc gọi món, mình mới biết mặt chủ quán mà. Sao lại có chuyện đã gặp từ trước rồi cơ chứ?”

Nhận thấy họ đang đầu bù tóc rối trước câu hỏi của tôi. Tôi chỉ tay đến tấm bảng mờ đục trên mặt bàn, nơi có dòng chữ “Black Market”.

Họ nhìn vào tấm bảng chăm chú như đang cố gắng lục lại toàn bộ ký ức của mình. Nhìn được một lúc, họ cùng đồng thanh hô “À” một tiếng rõ to. Ngón tay họ chỉ vào nhau như đã nhớ ra điều gì đó quan trọng. Hai mắt họ chớp chớp, rồi lại quay sang nhìn tôi và cười hì hì.

“Hóa ra là ở đây!” Người phụ nữ reo lên. “Hôm đó, chúng tôi đến đây để tham gia buổi đấu giá bí mật, và anh là người đã giúp chúng tôi chiến thắng món đồ quan trọng nhất!”

“Thảo nào tôi cứ thấy chủ quán quen quen! Ra là đã biết nhau từ lâu! Phiên chợ lúc nào cũng tấp nập khách ra vào. Chào hỏi vài người là tôi lại quên mất. May mà có dịp gặp lại. Đây hẳn là định mệnh ấy nhỉ!” Anh chồng gãi đầu.

“Phải phải. Chủ quán đã cất công gợi ý, thế mà tôi lại quên béng. Chủ quán cho thêm một chầu nữa nhé! Lần này tôi bao cả quán!” Cô vợ đập bàn hô to. Vài vị khách xung quanh cũng vỗ tay hoan hô với độ chịu chơi của cô ấy.

Khi đó, tôi cũng vui vẻ nâng ly lên và cùng họ trò chuyện suốt đêm. Họ kể cho tôi nghe về những chuyến phiêu lưu ly kỳ, những câu chuyện dân gian mà tôi chưa từng biết đến, hay đơn giản chỉ là những câu chuyện đời thường. Tôi say mê lắng nghe, quên cả giờ giấc. Khi ấy, tôi thầm nghĩ.

“Thật tốt khi mình đã mở quán rượu này.”

Bình luận về bài viết này